Minh triết trong tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lượt xem:
Theo Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo, giáo dục đại chúng, giáo dục truyền cảm hứng là minh triết trong tư tưởng giáo dục của Bác Hồ để rồi khi đi vào thực tiễn giảng dạy ai cũng có thể học được và ai cũng muốn học. Việc học trở thành niềm hứng khởi chứ không trở nên là một gánh nặng như bây giờ.
Là một nhà nghiên cứu giáo dục chuyên nghiệp, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý Giáo dục luôn suy nghĩ trăn trở, cống hiến được nhiều nhất cho giáo dục nước nhà.
Chia sẽ góc nhìn của mình về tư tưởng giáo dục của Bác Hồ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 72 năm Quốc khánh 2/9 và chuẩn bị bước vào năm học mới, bằng ngôn từ dung dị nhất, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo nói rằng: “Càng ngẫm càng thấy Bác Hồ rất sâu sắc và tinh tế”.
Tư tưởng của Bác là xây dựng một nền giáo dục toàn diện, mang tính nhân dân sâu sắc, tức là dành cho toàn thể quốc dân Việt Nam.
Cuối thế kỷ XX, UNESSCO mới nêu ra quan điểm giáo dục là “học để làm người”, nhưng từ năm 1949 khi đến thăm trường Nguyễn Ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trong sổ vàng nhà trường “Học để làm việc, làm người”.
Và trước đó, vào năm 1930 khi viết báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, Bác đã đề cập trực tiếp đến quan điểm giáo dục tiến bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, năm 1955. Ảnh tư liệu. |
Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo chia sẻ: “Nói một vài điểm nhấn như vậy để thấy, trong giáo dục, Bác Hồ đã có những tư tưởng đồng hành cùng thời đại và có thể nói ở một vài điểm là đi trước thời đại”.
Tư tưởng của Bác Hồ luôn chứa đựng minh triết, trong giáo dục cũng vậy. Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo rất tâm đắc về một chân lý mà ông đã rút ra được sau quãng thời gian dài nghiên cứu.
“Cần – Kiệm – Liêm – Chính” vừa là động lực cũng là đích đến của việc học.Đó là, muốn làm được việc thì cần phải “Cần – Kiệm – Liêm – Chính”.
Con người không có “Cần – Kiệm – Liêm – Chính” thì sống lệch chuẩn.
Nhưng học rồi, anh vẫn cần phải “Cần – Kiệm – Liêm – Chính” nếu không dễ bị suy thoái, từ một người tốt dễ bị lôi kéo, biến thành người xấu.
Bác Hồ từng nói: “Tôi có ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho đất nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Điều này, cho thấy chỉ có thể xây dựng được một nền giáo dục chân chính, một chế độ học tập chân chính khi đất nước có độc lập, tự do, người dân có cơm ăn, áo mặc. Việc học được Bác Hồ xem là một trong bốn trụ cột để phấn đấu của dân tộc.
Bác Hồ cũng đưa ra chủ trương phải chống giặc dốt, chống giặc đói, chống giặc ngoại xâm. Việc xem “dốt” là một thứ giặc và cần tiêu diệt sớm đã thể hiện một minh triết nữa của Người.
Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo lý giải, chủ trương diệt giặc dốt trong bối cảnh sau cách mạng tháng Tám là một chủ trương mang tính chiến lược.
Có thể hiểu, việc đề cao vấn đề diệt giặc dốt của Bác Hồ là sự kế thừa tư tưởng của các thế hệ đàn anh cách mạng đi trước, đặc biệt là của cụ Phan Chu Trinh.
Việc đặt vấn đề chống giặc dốt ngay thời điểm ngày 3/9 – sau khi đất nước giành được độc lập, dân ta 95% mù chữ là một chủ trương mang tính đột phá chiến lược.Tư tưởng khai minh (khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh) của cụ Phan Chu Trinh được Bác Hồ kế thừa. Nhiều ý tưởng của nhà cải cách Phan Chu Trinh được Bác Hồ tiếp thu ở tầm cao.
“Tôi cho rằng, cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh đặc biệt những ngày sau Cách mạng tháng Tám bằng sự khai dân trí, đã tiến tới một dân tộc “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”(Nguyễn Đình Thi).
Chúng ta phải có một nền tảng tri thức chắc chắn thì mới “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Với Bác Hồ, giáo dục là cái gốc của thắng lợi. Có phát triển giáo dục thì mới làm nên sự nghiệp cách mạng” – Phó Giáo sư Bảo nhấn mạnh.
Việc học được Bác Hồ xem là một trong bốn trụ cột để phấn đấu của dân tộc (ảnh tư liệu). |
Minh triết của Bác Hồ về giáo dục chứa đựng nhiều điều lớn lao và nhân văn như vậy, nhưng cái tài tình của Bác khi chuyển tải những vấn đề lớn lao đó tới nhân dân lao động thì người dùng những cách diễn đạt rất bình dị, dễ tiếp thu.
Chủ trương của Bác Hồ là nghiên cứu cách dạy học làm sao người dân chỉ trong thời gian ngắn mà đánh vần được, có thể tiếp thu được lời hiệu triệu, có thể đi bầu cử tìm được người xứng đáng.
Những tri thức lớn thời đó như Đặng Thai Mai, Vũ Đình Hòe, Hoàng Xuân Hãn… đã cụ thể hóa được ý tưởng giáo dục sâu sắc của Người.
Theo Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo, thời đó dân mình đi học chỉ cần một tấm lá chuối và cái que để viết i, t… Rất đơn giản nhưng tạo sự hứng thú cho người học. Chỉ tháng sau, người học có thể đánh vần được.
Với phương pháp đơn giản như vậy, học tập đã tạo cho người ta hứng thú, tạo được viễn cảnh chân trời ánh sáng không phải là cái gì đó nó xa lạ, huyền bí. Mọi người cảm thấy, việc đi học mang niềm vui, mang lại hạnh phúc, để giải phóng số phận.
Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo rất tâm đắc với chỉ đạo của Bác Hồ về minh triết giáo dục. Và, ông băn khoăn vì bây giờ càng tiếp thu nhiều lý thuyết thì hình như lại thiếu minh triết trong hành động. VNEN là một ví dụ: Đó là một quan điểm rất hay song khi vận dụng vào hoàn cảnh Việt Nam thiếu sự chuẩn bị chu đáo về điều kiện nên hậu quả để lại nhiều nỗi dở dang và ngổn ngang.
Và còn rất nhiều ý tưởng hay của thế giới muốn Việt hóa nhưng thiếu nội lực, cho nên chưa hiện thực được những giá trị cao quý.
Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo nhớ lại giáo dục trong thời kỳ giải phóng, đất nước còn gặp nhiều khó khăn: “Trong khi cũng là bảng chữ cái a, b, c nhưng thời bấy giờ lại học bắt đầu là i, t… Tôi cho rằng đây là một sự kỳ diệu trong quan điểm và phương pháp. Vì ngẫm kỹ thì viết nét thẳng là cách dễ viết nhất, mở ra cho con người đi vào các chân trời tri thức.
Sách giáo khoa hiện nay bắt trẻ em học chữ e và chữ b, tức là học nét cong. Các em đã học khó ngay từ đầu nên cảm thấy áp lực ngay buổi đầu cắp sách tới trường.
Nhờ cách tiếp cận i, t… đó, chúng ta đã có những người chiến sĩ vào hầm bắt sống tướng Đờ Cát – tại Điện Biên Phủ và có những đoàn quân tốc chiến tốc thắng giải phóng miền Nam” – Phó Giáo sư Bảo nhận định.
Theo Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo, giáo dục đại chúng, giáo dục truyền cảm hứng là minh triết trong tư tưởng giáo dục của Bác Hồ để rồi khi đi vào thực tiễn giảng dạy ai cũng có thể học được và ai cũng muốn học. Việc học trở thành niềm hứng khởi chứ không trở nên là một gánh nặng như bây giờ.