10 điều “Có” ấn tượng trong hệ thống giáo dục của nước Úc
Lượt xem:
(Dân trí) – Trong bài trước, Ths. Nguyễn Thị Hoa (hiện là nghiên cứu sinh Tiến sĩ chuyên ngành giáo dục ở ĐH Wollongong, Úc) nêu 10 điều không có trong giáo dục phổ thông ở Úc. Trong bài viết này,tác giả chỉ ra 10 điều “có” tiêu biểu trong hệ thống giáo dục này.
Những lĩnh vực này được dạy cho học sinh xuyên suốt quá trình học, từ bậc mẫu giáo đến bậc trung học. Như vậy, chương trình giáo dục có tính liên thông, chặt chẽ. Từ lớp 6 đến lớp 10, học sinh học 8 môn, trong đó có 4 môn tự chọn. Lớp 11 còn 6 môn và đến lớp 12 còn 5 môn mà học sinh thấy mình có khả năng và năng lực học những môn này nhất. Đến năm lớp 11, các môn Lý, Hóa, Sinh mới được phân hóa riêng biệt, còn trước đó được gộp chung lại là môn khoa học.
2. Có sự phân cấp trong một môn học. Ví dụ toán lớp 9 có 4 mức khác nhau từ thấp ( level 1) tới cao ( level 4). Học sinh có thể chọn học bất kì level nào phù hợp với khả năng của mình. Cuối năm, học sinh vẫn được học lên lớp trên nếu đạt yêu cầu của mức độ mà mình chọn.
3. Có sự đa dạng trong các môn học tự chọn. Học sinh học có thể chọn 4 môn trong danh sách hơn 20 môn học tự chọn. Với sự đa dạng các môn học, học sinh có thể lựa chọn các môn phù hợp với sở thích và năng lực của mình.
4. Có phát huy tính sáng tạo, độc lập làm bài của học sinh khi ra bài tập về nhà. Quá trình học tập của học sinh được đánh giá chủ yếu dựa trên các bài tập về nhà (asignments). Học sinh có 1-2 tuần để hoàn thành bài tập cảu mình. Đề bài thường đòi hỏi học sinh phải tự tìm tài liệu, hoặc sự hỗ trợ từ thầy cô, bạn bè để làm bài.
Ví dụ môn Thương mại (Bussiness) của lớp 10 có bài: Em hãy nêu ảnh hưởng của một tấm biển quảng cáo tới xã hội? hay môn tiếng Anh: Em hãy sáng tác một bài thơ và phân tích ý nghĩa của nó? Sau đó, họ sinh thường phải trình bày bài tập của mình trên lớp (Presentation). Với những đề bài như vậy thì rất khó để học sinh có thể “ăn gian” được.
5. Có sự tự giác, sự trung thực và lòng tự trọng trong thi cử. Quay cóp hay nhìn bài bạn hiếm khi xảy ra trong trường. Học sinh tự thấy xấu hổ khi làm việc đó. Đặc biệt nhà trường rất nghiêm khắc trong việc xử lý học sinh vi phạm. Hơn nữa, do việc học không vì điểm số nên học sinh rất tự giác làm bài.
6. Có sự tự chọn lọc trong quá trình học. Học sinh muốn vào đại học thường chọn các môn ở mức độ khó để đạt nhiều điểm. Ví dụ, bạn học toán nâng cao sẽ được nhiều điểm (credits) khi xét tuyển vào đại học hơn bạn học Toán cơ bản. Các bạn không có khả năng học trình độ cao và các môn khó thì sẽ đủ điểm vào các trường nghề. Như vậy, không phải do trường phân loại học sinh dựa vào bài thi mà học sinh tự lựa chọn dựa theo sở thích và năng lưc của mình trong suốt quá trình học.
7. Có sự quan tâm chi tiết tới từng học sinh. Chẳng hạn trước các buổi ngoại khóa, nhà trường thường gửi đơn về gia đình để xin phép ý kiến phụ huynh xem có đồng ý cho con tham gia không, con có bị dị ứng với loại thức ăn nào không? Có bệnh gì đặc biệt và cần hỗ trợ gì? Số điện thoại liên lạc trong trường hợp khẩn cấp là gì?
8. Có sự tôn trọng ý kiến của học sinh và phụ huynh. Bên Úc dường như rất ít các cuộc thi học sinh giỏi. Hàng năm bang NSW có tổ chức thi giỏi toán. Tuy nhiên, nhà trường sẽ gửi thư về cho gia đình để hỏi ý kiến xem có cho con tham gia không. Đặc biệt là không có bất cứ lớp ôn thi học sinh giỏi nào cả.
9. Có phong trào chống bắt nạt học đường (Bullying). Điều này được các trường đặc biệt coi trọng. Ngay từ khi nhập học, học sinh đã được dạy những hành vi, cử chỉ, lời nói nào được coi là xúc phạm tới người khác và bị cấm ở trường. Vì vậy, nạn bắt nạt rất hiếm khi xảy ra tại các trường phổ thông ở Úc.
10. Có sự công bằng, bình đẳng, tôn trọng trong nhà trường. Các trường đều yêu cầu học sinh mặc đồng phục. Mọi học sinh đều được đối sử công bằng, bình đẳng như nhau bất kể màu da, tôn giáo, tầng lớp, địa vị của cha mẹ.
Chương trình giáo dục phổ thông ở Úc đã được áp dụng từ lâu. Mặc dù lượng kiến thức ít hơn nhiều so với những gì mà học sinh Việt Nam đang phải học, nhưng điều quan trọng hơn là nó kích thích tính ham học, sáng tạo, tìm tòi của học sinh.
Đây thực sự là điều mà nền giáo dục nào cũng nên hướng tới. Kiến thức nhân loại là mênh mông và vô tận, chỉ cần chúng ta có niềm say mê học tập thì chúng ta có thể tiếp cận, tiếp nhận và góp sức làm giàu vốn tri thức đó ở bất kể lứa tuổi nào. Việc nhồi nhét tất cả các kiến thức cho học sinh phổ thông là việc làm không cần thiết và thiếu tính khoa học.
Với chương trình quá tải như hiện nay, vô hình chung giáo dục ở Việt Nam đang làm giảm ham muốn, động lực học tập của học sinh, gây mệt mỏi và căng thẳng cho các em.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoa
(Nghiên cứu sinh Tiến sĩ chuyên ngành giáo dục ở ĐH Wollongong, Úc)