10 điều nhà trường “quên” dạy học sinh
Lượt xem:
LTS: Chứng kiến tình trạng nhiều em học sinh ra trường thiếu các kĩ năng sống, thầy giáo Lê Xuân Chiến đã chỉ ra 10 điều nhà trường nên bổ sung để giáo dục cho các em.
Học sinh ngày nay học nhồi nhét, quá tải, bị nhiều áp lực trong học tập, thế nhưng lại khiếm khuyết rất nhiều kiến thức đáng lẽ ra phải được nhà trường trang bị đầy đủ.
Nhà trường dạy các em rất nhiều môn, tổ chức rất nhiều hoạt động, dạy học sinh rất nhiều kiến thức hàn lâm, triết lý cao siêu nhưng những kiến thức, kỹ năng cần thiết, đơn giản nhất thì “quên” dạy cho các em.
Ra trường các em lơ ngơ, phải tự mò mẫm học “sống” và không ít em bị “vấp ngã”, loay hoay trong thất vọng.
Sau đây, xin đề cập 10 điều nhà trường dường như “quên” dạy học sinh.
1. Kỹ năng thoát hiểm
Lâu nay dù chúng ta có quan tâm dạy “kỹ năng sống” nhưng quên dạy “kỹ năng thoát hiểm” cho trẻ.
Cụm từ “giáo dục kỹ năng” được nhắc đến trong mấy năm gần đây ở nhà trường.
Trẻ rất cần học những kỹ năng thoát hiểm. (Ảnh minh họa của Báo Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh) |
Cái gọi là “kỹ năng sống” ấy được lồng ghép trong các môn học chẳng qua như “cưỡi ngựa xem hoa”, chưa thực sự giáo dục được kỹ năng sống cho học sinh.
Trong kỹ năng sống, có một kỹ năng tối quan trọng nhưng chưa được nhà trường trang bị cho học sinh, đó là kỹ năng thoát hiểm.
Trong thực tế rất nhiều trường hợp trẻ bị tai nạn đáng tiếc do không có kỹ năng thoát hiểm hoặc không lường được nguy hiểm sẽ xảy ra với mình để phòng ngừa.
Đơn cử như vừa qua có một em ở xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Đình Định, chỉ vì cố nhặt chiếc dép mà đã bị lũ cuốn trôi.
Phải dạy cho trẻ những kỹ năng thoát hiểm càng sớm càng tốt, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.
Chẳng hạn, khi thấy trộm vào nhà, trẻ phải làm gì để bản thân được an toàn? Nếu kêu la, khóc ré thì chuyện gì sẽ xảy ra?
Thời gian qua xảy ra nhiều vụ trộm đột nhập vào nhà, giết người lớn, giết luôn trẻ em vì trẻ vô tình làm cho ác thủ manh động.
Một số kỹ năng khác như không may đi lạc, gặp người lạ dụ dỗ, hỏa hoạn, nước lớn, trẻ phải làm gì nếu có thể, cũng cần được trang bị cho các em.
Một số trẻ bị bắt cóc vì cả tin hoặc thiếu cảnh giác trước người lạ, chỉ cần được cho chút quà là trẻ đi theo người ta.
2. Kiến thức giới tính
Giáo dục giới tính cũng được đặt ra và lồng ghép ở một số môn trong nhà trường, tuy nhiên kết quả chưa tới đâu, làm chưa đến nơi đến chốn.
Tỷ lệ nạo phá thai vị thành niên nữ còn khá cao. Nhiều nữ sinh phải mang bầu, nghỉ học, học chưa hết cấp ba đã lên cấp… má.
Giáo dục giới tính không chỉ dừng lại ở việc cho học sinh hiểu đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi của mình, mà cần quan tâm đến đặc trưng của bản chất giới.
Con trai phải thế nào, con gái phải ra sao trong nói năng, ứng xử, hoạt động.
Nhiều em ngây thơ hiểu “bình đẳng giới” là nam nữ như nhau, không hiểu đúng rằng đàn ông bổ củi, đàn bà rửa bát mới cũng là bình đẳng giới.
Khoảng cách bạn bè giữa con trai, con gái trong giao tiếp, sinh hoạt tập thể phải như thế nào, điều đó nhà trường chưa hề dạy trẻ.
Sở thích, xu hướng của con trai, con gái phải như thế nào để hạn chế những lệch lạc về giới tính cũng cần được trang bị cho các em.
Trong nhà trường, giáo dục giới tính còn rất chung chung, chưa có những hoạt động giáo dục dành riêng cho các em nam, nữ theo đặc thù giới tính của mình.
3. Làm chủ cảm xúc
Nhà trường giáo dục học sinh biết hòa đồng với tập thể nhưng “quên” giáo dục các em biết tôn trọng sự khác biệt giữa các cá nhân.
Nhà trường dạy các em biết yêu thương, chia sẻ nhưng “quên” dạy các em biết ghét, biết phẫn nộ trước cái ác, cái xấu, cái vô lý bất công.
Nhà trường dạy các em biết thể hiện cảm xúc, suy nghĩ, thể hiện sự năng động nhưng “quên” dạy học sinh biết làm chủ cảm xúc bản thân.
Nhiều vụ ẩu đả, đánh nhau, chém giết là do các em không làm chủ được cảm xúc khi không hài lòng, tức giận với người khác.
4. Giới hạn
Học môn Toán, các em biết tính giới hạn (lim), biết các khái niệm cực đại, cực tiểu nhưng các em không được giáo dục vận dụng điều đó vào thực tiễn cuộc sống. Chạy xe quá tốc độ, làm những trò “câu Like” quá quắt, không có điểm dừng trong vui chơi, giải trí hay trong xử thế với bạn bè, thầy cô.
Và những mối tình đầu (hoặc tưởng là thế) của tuổi học trò đi quá giới hạn, để lại những tổn thất về sức khỏe, chấn động về tinh thần cho các em nữ sinh, khi chưa qua tuổi vị thành niên đã làm những “người mẹ bất đắc dĩ”.
Nhiều em có thói quen chia sẻ mọi thứ về bản thân, gia đình trên mạng xã hội, kể cả những điều không nên như mình đang ở đâu, gia đình sắp đi đâu xa, bao giờ sẽ trở về…
Những thông tin đó có thể vô tình bị kẻ xấu khai thác, lợi dụng …
Không ít em không biết được giới hạn khả năng của mình nên sống ảo, lên mạng xã hội làm trò cười cho thiên hạ.
Nhiều nam thanh niên để đầu tóc dài, móng tay dài, ăn mặc, đi đứng, nói cười “chẳng giống ai” vì bắt chước một “thần tượng” nào đó nhưng bản thân thì chẳng có tài cán gì, thậm chí chỉ ăn không ngồi rồi, hết la cà quán xá lại chơi game, cá độ.
Tuổi trẻ cần có khát vọng tiến tới nhưng cũng phải biết điểm dừng đối với nhiều thứ như tình bạn, tình yêu, vui chơi, hưởng thụ, ứng xử…
5. Tâm lý đám đông
Nhà trường dạy các em “thiểu số phục tùng đa số” nhưng “quên” dạy các em tự tin vào cái mà mình cho là đúng.
Nhà trường “quên” dạy các em rằng số đông chưa hẳn lúc nào cũng đúng.
Ở thế kỷ 17, khi hầu như tất cả mọi người cho rằng trái đất đứng im, mặt trời quay quanh trái đất, thì Ga-li-lê tuyên bố ngược lại, để giáo hội La Mã phải dọa xử tử ông, ép buộc ông “cải chính” tuyên bố của mình.
Và ông đã thốt lên một câu nói bất hủ: “Dù sao trái đất vẫn quay!”.
Nhiều em chưa phân biệt được sự hòa đồng và sự a dua theo đám đông. Hòa đồng với tập thể nhưng mình phải là chính mình, không nô lệ sở thích, xu hướng đám đông, miễn là không vi phạm pháp luật.
6. Mình không phải là số 1
Ngày nay trẻ em lớn lên trong vòng tay bao bọc, cưng chiều của bố mẹ, nhiều nhà có điều kiện, rất cưng chiều con.
Vì thế nhiều trẻ có tâm lý mình là “ông trời con”, muốn gì được nấy, muốn làm gì thì làm và nghĩ rằng người khác phải có trách nhiệm “cung phụng” mình.
Nhiều vụ thanh niên tự tử vì bế tắc điều gì đó trong cuộc sống, nhưng giá như các em biết nghĩ tới những người thân cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi các em dại dột thì có lẽ các em sẽ dừng lại, không làm liều.
Mỗi một người là một mắt xích liên kết với gia đình và xã hội. Vậy mình không phải là số 1, nên không được hành xử tùy tiện theo cảm tính của bản thân.
Mình không là trung tâm của vũ trụ để mỗi khi không vừa lòng điều gì thì cái tôi cá nhân giãy lên như con nhím, rồi làm những việc thái quá, không kiểm soát được cảm xúc bản thân.
7. Google, phim ảnh và đời thực
Có câu nói đùa: “Dân ta phải biết sử ta/ Ai mà không biết thì tra Google”. Đúng là thông tin trên Google rất phong phú nhưng Google không phải là bộ “Bách khoa toàn thư vĩ đại” mang tính khoa học.
Nhà trường dạy các em học máy tính, tin học nhưng “quên” dặn các em đừng lệ thuộc vào công nghệ. Không phải cái gì trên Google cũng có và cũng đúng. Google không thay thế được bộ óc, trái tim của con người.
Trẻ ngày nay xem phim Hàn nhiều mà quên rằng mình là người Việt Nam. Các em bắt chước các diễn viên phim Hàn từ ăn mặc, đầu tóc đến phong cách sống.
Sự bộc lộ cảm xúc của người Hàn Quốc trong phim “xa lạ” với bản sắc văn hóa Việt Nam.
Các em bắt chước những thần tượng mà mình yêu thích, học đòi theo họ nhưng quên rằng: Đời không đẹp như phim.
Nhà trường dạy các em những điều trong sách vở mà “quên” giúp các em so sánh, đối chiếu, thực nghiệm trong thực tế đời sống.
Nên chỉ khi tốt nghiệp ra trường, nhiều em rất ngơ ngác, bỡ ngỡ, không biết hành xử như thế nào trước xã hội vốn không đơn giản.
Nhà trường dạy các em biết vượt qua thử thách nhưng đôi khi “quên” dạy các em biết chấp nhận, biết đối đầu với nghịch cảnh để sống vững vàng hơn.
Nhà trường cần dạy các em đối diện với sự thật, chấp nhận sự thật dù phũ phàng đến đâu.
Những thói xấu như nói dối, đổ lỗi, đổ thừa, vu khống, trốn tránh trách nhiệm hoặc tuyệt vọng, bế tắc… vì các em không đủ bản lĩnh để đối diện với sự thật và vượt lên trên cảnh ngộ đời sống.
8. Ứng xử với tự nhiên, muôn loài
Nhà trường dạy các em rằng con người phải biết làm chủ thiên nhiên, bắt thiên nhiên phải phục vụ con người nhưng “quên” dạy các em cái điều cực kỳ quan trọng: con người phải biết tôn trọng quy luật tự nhiên, sống hài hòa với thiên nhiên.
Không cần giải thích nhiều, chỉ cần nhìn vào những cơn lũ khủng khiếp thời gian gần đây ở nước ta thì cũng đủ hiểu về sự trả giá do con người tác động không phù hợp với quy luật tự nhiên.
Nhờ có trí khôn con người bắt các loài khác phải phục vụ mình. Do thói quen suy nghĩ như thế nên lâu nay các em chỉ được học tình yêu đồng loại mà “quên” mất tinh thần ứng xử tôn trọng muôn loài.
Hệ sinh thái mất cân bằng, nhiều loài động vật quý hiếm bị tiệt chủng cũng vì con người đối xử bất công với chúng.
9. Ý thức công dân
Thói vô cảm, lạnh lùng mặc ai nấy sống, “sống chết mặc bay” sẽ lan rộng nếu “quên” giáo dục học sinh ý thức công dân, tinh thần vì cộng đồng.
Những gương nghĩa hiệp ngày nay không phải không có nhưng chưa nhiều. Khi có ý thức công dân, các em sẽ biết quan tâm nhiều hơn đến tình hình đất nước, không đứng ngoài cuộc trước những vấn đề chung của cộng đồng.
Xã hội đang cần nhiều hơn nữa những “Lục Vân Tiên”, “Thạch Sanh”, các “hiệp sỹ đường phố” ở Sài Gòn.
Khi ý thức công dân được phát huy, các em sẽ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước hành động của bản thân cũng như dám đấu tranh với cái ác, cái xấu.
10. Những điều bình thường
Nhà trường dạy các em bao nhiêu lý thuyết hàn lâm, bao nhiêu kiến thức cao siêu nhưng dạy các em phải nhớ ngày sinh, tuổi tác của cha mẹ mình; dạy các em biết ước mơ, khát vọng, hoài bão nhưng “quên” dạy các em biết lắng nghe những điều bình thường trong cuộc sống.
Rất nhiều em mơ cao, nghĩ lớn nhưng không biết bắt đầu bằng những cái đơn giản, bình thường. Những việc nhỏ không làm được thì việc lớn sao mà thành công?
Nghĩ lớn nhưng không chịu “làm nhỏ” nên nhiều em đã ảo tưởng và thất bại.
Không ít em nghĩ câu “Làm giàu không khó” theo nghĩa đen, chứ không biết đó là câu khẩu hiệu, mang nghĩa động viên, khích lệ làm giàu.
Nhiều bạn trẻ mới ra trường đã vội vàng hùn vốn, mở công ty kinh doanh khi điều kiện chưa chín muồi. Bị thất bại, các bạn ấy mới thấm thía câu “Thương trường là chiến trường”.
Danh ngôn có câu: “Ngôi nhà chín tầng bắt đầu từ sọt đất nhỏ, đi xa ngàn dặm bắt đầu từ mỗi bước chân”. Nhà trường cần dạy các em câu này để các em lấy đó làm hành trang tiến ra “biển lớn” của cuộc đời.
Còn bao nhiêu điều nhà trường “quên” dạy các em, phải chăng do chương trình giáo dục hiện nay “nặng lý thuyết, nhẹ thực hành”, “nặng nội dung, nhẹ kỹ năng, phương pháp”?
Và phải chăng do cải cách giáo dục mang tính chắp vá, còn các thầy cô thì dạy chữ đơn thuần?