Làm công tác kiêm nhiệm như vậy đương nhiên tổng số tiết dạy trong tuần, trong tháng của giáo viên sẽ không bị thiếu so với quy định, hoặc có thể được tăng lên (được giảm giờ lên lớp hằng tuần theo quy định khi làm chủ nhiệm lớp – Trích Điều lệ trường Trung học phổ thông).
Đó là tính về mặt vật chất, phân minh, rõ ràng, còn về mặt tinh thần thì “Có ở trong chăn…” mới biết. Còn nhớ, trong thời kỳ còn duy trì hai loại hình trường công lập và bán công chung một bảng tên trường, có các thầy cô làm chủ nhiệm một năm hai lớp. Sáng chủ nhiệm lớp công, chiều chủ nhiệm lớp bán công. Tuy vất vả nhưng hoàn toàn độc lập, không bị trùng lắp thời gian, nhiệm vụ, điểm thi đua cuối năm (khen, chê) cũng tính riêng.
Một công thức chung về giáo viên chủ nhiệm?
Giáo viên chủ nhiệm già có bề dày am hiểu về tâm lý, nhiều kinh nghiệm về cách xử lý tình huống.
Giáo viên chủ nhiệm trẻ, nhiệt tình, hòa đồng, dĩ nhiên kinh nghiệm chưa có gì đáng kể.
Giáo viên chủ nhiệm nam thiếu sự tỉ mỉ, ít gần gũi học trò, cũng như học trò ít gần gũi thầy.
Giáo viên chủ nhiệm nữ sâu sát, tận tình, học trò thích có chủ nhiệm nữ hơn.
Giáo viên chủ nhiệm bộ môn có nhiều tiết dạy sẽ có nhiều thuận lợi, đỡ vất vả.
Giáo viên chủ nhiệm bộ môn ít tiết sẽ bị mất nhiều thời gian hơn để bám sát, theo dõi tình hình lớp.
Giáo viên chủ nhiệm hiền thường năn nỉ, nhỏ nhẹ, thậm chí nhượng bộ, thỏa hiệp thay vì thét lác, la rầy học trò.
Giáo viên chủ nhiệm dữ dứt khoát, nguyên tắc cứng nhắc, áp đặt, ép buộc, xử phạt, luôn la mắng học sinh.
Đại khái là như vậy…
Nhưng đừng quên cây đời mãi mãi xanh tươi
Có một sự thực phũ phàng phải chấp nhận là, làm giáo viên chủ nhiệm đồng nghĩa với chuyện phải có trách nhiệm về tất cả mọi việc có liên quan tới học sinh trong cái lớp mà mình chủ nhiệm. Mối liên hệ thầy trò này sẽ tiếp diễn không ngừng cho đến ngày làm lễ tổng kết năm học mà vẫn có thể còn chưa chấm dứt (giấy tờ, sổ sách nào đó cần hoàn tất, bổ sung, một sự cố nào đó đột ngột xảy ra…).
Mặc cho thầy trẻ mới ra trường, hoặc cô già bốn mươi mấy, năm chục tuổi, họ đều phải nghe vô số chuyện lớn, nhỏ về đám học trò của lớp mình.Từ xả rác vô tội vạ tới yêu đương nhăng nhít, không thuộc bài nhiều lần, quay cóp, điểm kém, ăn vụng, ăn mặc sai qui định, vi phạm luật lệ giao thông… Ai cũng có chuyện để báo với chủ nhiệm, với ý định tốt nhất trần đời là giúp thầy cô biết được nhiều chuyện hơn về học sinh của mình, dù mình không có mặt ngay ở đó. Không kể hàng chục giáo viên phụ trách bộ môn của lớp, thì còn có bảo vệ cổng, lao công, giám thị, nhân viên thư viện, nhân viên phòng y tế trường, trợ lí thanh niên, lớp trưởng, tổ trưởng, thủ quỹ lớp, các học sinh khác không giữ chức vụ gì trong lớp, các vị phụ huynh thờ ơ hoặc khó tính.
Trong báo cáo kinh nghiệm của các giáo viên chủ nhiệm, chắc chắn họ sẽ kể ra những câu chuyện đặc biệt kèm theo biết bao tâm trạng của người thầy. Đầu tiên là tự hỏi, không biết mình làm sao mà đối phó được, chinh phục được mấy chục tính cách con người thua mình hàng chục, hàng mấy chục tuổi (Tìm hiểu và nắm vững học sinh trong lớp về mọi mặt để có biện pháp tổ chức giáo dục sát đối tượng, nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của cả lớp- Trích Điều lệ trường Trung học phổ thông). Rồi dần dần thương những đứa trò nhà nghèo, quanh năm đóng trễ hạn học phí, hoặc những đứa giàu có, nhiều tiền, có xe đẹp, điện thoại sang mà gia đình sứt mẻ, li tán, những đứa học trò cố tình tỏ thái độ bất hợp tác trong học tập, rèn luyện hạnh kiểm, những đứa ham chơi hơn học, những đứa nhút nhát, mặc cảm tự ti, những đứa vô tư tỏ lòng quý mến thầy cô…
Đứng trước chúng, đứng trước vô vàn tâm tính con người, luôn mang trong mình sự nổi loạn mạnh mẽ của giai đoạn loạng choạng tâm lý lứa tuổi, người thầy đã trải qua bao nhiêu lần buồn, vui giận, tức, rưng rưng, tuyệt vọng, đã nhìn ra, cảm nhận được biết mấy cảnh đời? Điều đó giúp thầy có nhiều vốn sống nghề nghiệp hơn. Nhưng mỗi năm học gặp thêm nhiều học trò khác nữa, nhiều cảnh đời khác nữa, lại không thể mạnh miệng tự nhận rằng mình đã có nhiều kinh nghiệm hơn xưa.
Đã làm giáo viên chủ nhiệm, dù chỉ một vài năm, dù nam hay nữ, dù dạy ít tiết hay nhiều tiết, dù thích hay không thích, ai cũng sẽ biết được điều giản đơn này. Những bài tâm lý học trong trường sư phạm muôn đời chỉ là lý thuyết khô khan, khó vận dụng trước vô khối đứa học trò, dù chúng ngoan hiền, dễ bảo, hay phá phách, cứng đầu chẳng chịu nghe lời. Người thầy chủ nhiệm chỉ có một con đường phải đi, một việc phải làm là giúp chúng hết sức có thể của mình. Lúc đó, không còn áp lực của nhiệm vụ được phân công, không còn áp lực của thi đua, kiểm điểm mà chỉ còn tấm lòng của người thầy, người lớn đối với bọn trẻ vụng về, lúng túng trước ngưỡng cửa cuộc đời lành dữ khó phân.
Ảnh minh họa: Thảo Nguyên
|
Giáo viên nghĩ về giáo viên chủ nhiệm
Có người rất thích làm giáo viên chủ nhiệm. Họ tìm thấy niềm vui được chia sẻ, được làm cố vấn chỉ đạo khi cùng tham gia một phong trào nào đó với học trò. Họ thấy hứng khởi, sáng tạo khi được tiếp xúc với nhiều loại đối tượng, mà nét chính là vụng dại, ngây thơ. Họ có khao khát giúp đỡ, giáo dục, hướng dẫn những tâm hồn trong sáng đi vào đường ngay nẻo chính, tốt đẹp…mà kết quả sẽ được hiển hiện cụ thể hằng tuần, hằng học kì, hằng mỗi đợt kết thúc năm học. Đôi khi, thầy cô mong muốn làm chủ nhiệm lớp chỉ đơn giản vì lí do “có quân, có đệ tử” sẵn sàng tiếp ứng cho mình khi phải tham gia vô số các phong trào thi đua trong trường. Nếu không được phân công, họ thấy như bị sỉ nhục, bị Ban Giám hiệu ruồng rẫy, thấy xấu hổ với đồng nghiệp và thấy cô độc với học trò vì mình không có việc gì để lo, để làm ngoài chuyện lên lớp giảng bài.
Có người không thích làm giáo viên chủ nhiệm vì sợ phải chịu những nỗi vất vả triền miên, sợ mất thời gian, sợ phải bị gán vào mình cụm từ khiển trách dễ gây xúc phạm “thiếu năng lực…”. Họ thấy ngao ngán khi mỗi đầu tuần phải nhận một bản báo cáo dài lê thê, ghi lại những vi phạm của học trò trong lớp. Họ thấy không công bằng khi trong lớp có học sinh nghỉ, bỏ học thì chủ nhiệm sẽ bị trừ điểm thi đua. Rồi phải quản lí hàng loạt hồ sơ sổ sách quan trọng của từng cá nhân học sinh trong lớp. Mỗi một năm học, chủ nhiệm phải chủ trì ba lần họp với toàn thể phụ huynh, chưa kể rất nhiều lần gặp mặt lẻ tẻ, không theo một kế hoạch nào, mà chỉ toàn là trao đổi những chuyện không vui. Thử hỏi, không ngán ngại sao được, nếu đọc những dòng này khi nhận phân công “Giáo viên chủ nhiệm phải trả lời các câu hỏi về chất lượng học tập và hạnh kiểm của học sinh trong lớp trước hiệu trưởng, trước Hội đồng sư phạm của nhà trường và trước phụ huynh học sinh của lớp khi tổng kết năm học” (Trích văn bản của một trường trung học)
Thời đại công nghệ phát triển này, chủ nhiệm đâu cần phải tới tận nhà học sinh để thăm hỏi, gặp gỡ phụ huynh, tìm hiểu tâm tư tình cảm các loại. Chỉ cần bấm điện thoại là xong. Muốn kiểm tra tại sao hôm nay trò vắng mặt trong lớp cũng chỉ cần bấm điện thoại là biết ngay. Trong cuộc họp gặp gỡ đầu năm học, giáo viên và phụ huynh đã thực hiện thủ tục trao đổi số điện thoại cho nhau rồi. Lại còn sổ theo dõi điện tử, phụ huynh có thể trực tiếp gọi điện thoại đến trường hỏi tình hình học tập của con em mình, học sinh thời này, hầu như em nào cũng có số điện thoại riêng… Nhưng không nên vì thế mà nói rằng việc làm chủ nhiệm đã có thể bớt cực nhọc đôi chút. Khoa học càng phát triển cao, con người càng sống khép kín, học trò cũng theo đó mà càng khó gần, khó bảo.
Ai đã làm chủ nhiệm cũng chỉ nói câu này: “Cực nhưng vui”.
Cực vì nó tiêu tốn, lấy đi rất nhiều thời gian không báo trước, không có trong kế hoạch tuần này, tháng kia. Nó khiến ta có những cơn giận tức, bực bội rất đột ngột và thật nhiều, còn sự mừng vui, thoải mái thì thưa thớt, hiếm hoi, ít ỏi. Nó khiến ta phải có một trí nhớ phi phàm, một năng lực tư duy nhanh nhạy để biết được nhiều nhất có thể về tất cả (tình hình học hành, thói quen, thói xấu, hoàn cảnh gia đình, bạn bè, bồ bịch, tình trạng sức khỏe…) mấy chục đứa học trò trong lớp chủ nhiệm của mình. Nó khiến ta trở thành một nhà tâm lí học sành sõi từ bao giờ không biết. Nó cũng khiến ta phải luôn ở trong tình trạng trẻ trung, tân tiến, hợp thời để có thể nắm bắt, hòa nhịp cùng bọn trẻ không bao giờ chịu ngừng nghỉ cái chuyện ham hố tò mò, khám phá, cố tình tìm hiểu cho được mới thôi.
Nói về trí nhớ, có vị chủ nhiệm còn tỉ mỉ nhớ luôn cả tên cha mẹ, địa chỉ nhà của học sinh. Trong một lúc nào tình cờ nào đó, thế là cố tình bật nói ra khiến đứa học trò “khổ chủ” kia kinh ngạc đến kinh hoàng, tâm phục, khẩu phục, lại còn vô cùng cảm động vì được chủ nhiệm quan tâm đến thế. Đó cũng là một biểu hiện của niềm vui trong vô biên những niềm vui không thể biết trước được bao giờ của các nhà giáo có làm giáo viên chủ nhiệm.